5 công nghệ mới nhất trong điều trị tim mạch

|
Lượt xem:
Người bệnh tim mạch trong tương lai sẽ hưởng nhiều lợi ích hơn khi họ được chẩn đoán và điều trị bệnh với các thiết bị tiên tiến, công nghệ mới nhất. Sau đây là 5 ứng dụng công nghệ trong điều trị bệnh tim mạch được nghiên cứu và áp dụng trong điều trị ở một số quốc gia trên thế giới.
  1. Kính thông minh Google Glass trong phẫu thuật tim mạch
 

Áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim mạch

Google glass là ứng dụng nổi tiếng nhất của công nghệ điện toán, thiết bị này bao gồm một tai nghe gắn vào trước mắt người dùng giống như một cặp kính đeo mắt giúp chụp ảnh, quay video lại mà không cần dây dẫn truyền dữ liệu. Thiết bị công nghệ này được điều khiển bằng giọng nói, có thể nối với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, kết nối wifi để sử dụng trong các phòng phẫu thuật. Với sự hỗ trợ của kính thông minh google glass, các bác sỹ phẫu thuật có thể ghi lại hình ảnh trong ca phẫu thuật mà không cần mất công sử dụng máy ảnh rời làm ô nhiễm môi trường phẫu thuật vô trùng. Google glass được cho là thiết bị tiềm năng ứng dụng trong quá trình chụp động mạnh vành một thủ thuật được tiến hành bằng cách tiêm chất cản quang vào động mạch để tìm ra vị trí động mạch bị hẹp hoặc tắc, hình ảnh thao tác hoàn toàn được ghi lại bằng kính thông minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy những hình ảnh từ Google glass phát qua máy tính hoặc ipad đều đủ độ sắc nét để các chuyên gia không có mặt trong cuộc phẫu thuật quan sát, phân tích chi tiết các thao tác.Trong tương lai, công nghệ này sẽ cho phép những người bệnh được hưởng lợi khi có sự đóng góp chuyên môn từ các bác sỹ tim mạch trên toàn cầu..
  1. Stent phủ thuốc có khung tự tiêu (Bioresorbable Vascular Scaffold )
Trong điều trị bệnh động mạch vành, các bác sĩ thường tiến hành nong mạch và đặt một lưới kim loại gọi là stent có gắn thuốc để mở lòng động mạch, giúp máu lưu thông qua động mạch bị tắc hẹp một cách dễ dàng. Nhưng qua thời gian, cục máu đông có thể hình thành bên trong stent, do đó người bệnh phải uống thuốc chống đông trong thời gian dài, thậm chí cả đời. Hiện nay, có một loại stent mới là stent phủ thuốc có khung tự tiêu sẽ trả lại mạch vành tự nhiên sau khi làm giá đỡ tạm thời cho đến khi mạch vành được nội mạc hóa hoàn toàn. Tức là, sau một thời gian nhất định được cấy vào lòng mạch vành, stent với bản chất là polyme có khả năng tự tiêu có tính co giãn, tái cấu trúc mạch vành, khung mềm mại nên máu dễ lưu thông ở nơi gập góc, giảm hiện tượng phản ứng của mạch máu ở đầu và cuối stent. Nghiên cứu gần đây cho thấy stent phủ thuốc có khung tự tiêu mang lại hiệu quả tương đương stent kim loại có phủ thuốc. Tuy nhiên, nó chưa thực sự phù hợp cho các trường hợp bệnh động mạch vành phức tạp hơn. Nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng, với sự tiến bộ của công nghệ y học thì stent phủ thuốc khung tự tiêu sẽ thay thế stent kim loại trong tương lai.
  1. Máy tạo nhịp tim Leadless
Một máy tạo nhịp tim thông thường bao gồm một nguồn điện hoạt động bằng pin nhỏ được cấy dưới da nối với hệ thống dây dẫn để đưa các xung điện tới cơ tim giúp duy trì nhịp tim bình thường. Mặc dù máy tạo nhịp tim thông thường hiện nay vẫn được sử dụng rất phổ biến trên thế giới và mang lại nhịp đập tự nhiên cho nhiều trái tim không khỏe. Tuy nhiên ở một số trường hợp, máy tạo nhịp tim cấy dưới xương đòn có thể không mang lại hiệu quả mong muốn mà gây tác dụng ngược lại như dây dẫn bị hỏng hoặc nhiễm trùng, pin phát nổ khi tiếp xúc nhiệt độ cao, hoặc giải phẫu ngực của người bệnh không phù hợp để cấy máy…. Trong điều kiện đó, máy tạo nhịp tim Leadless ra đời. Đây là một thiết bị tự chứa nhỏ được đặt trên vách bên trong tim thông qua một ống soi mềm mỏng gọi là ống thông. Phiên bản đầu tiên của máy tạo nhịp tim đơn buồng được đặt ở trung tâm buồng tâm thất phải. Máy tạo nhịp tim Leadless hứa hẹn sẽ được sử dụng phổ biến trong những năm tới.
  1. Cấy ghép van trong van
Van tim làm từ mô động vật đang ngày càng được sử dụng thay thế van tim cơ học. So với các van tim cơ học, van tim từ mô động vật làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, nghĩa là người bệnh không phải sử dụng thuốc chống đông kéo dài. Tuy nhiên van từ mô động vật không sử dụng được trong thời gian dài như van cơ học. Do đó người bệnh sẽ phải thực hiện phẫu thuật thay van thêm một lần nữa. Hiện nay, một kỹ thuật ít xâm lấn gọi là phương pháp cấy ghép van trong van được sử dụng thay cho lần phẫu thuật thứ hai. Một van tim từ mô động vật mới sẽ được cấy vào tim qua ống thông vào vị trí của van cũ đã hỏng mà không lấy van hỏng đi. Nhiều nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành để phân tích ưu nhược điểm của phương pháp này với bệnh nhân trẻ tuổi. Nhưng có thể nói, đây là sự lựa chọn thay van tốt nhất cho người bệnh van tim có nguy cơ cao gặp phải biến chứng phẫu thuật.
  1. Miếng vá chứa protein tự nhiên giúp tái sinh tế bào cơ tim đã chết
Người bệnh tim mạch thường đối mặt với các cơn đau tim. Sau mỗi cơn đau tim, các tế bào cơ tim bị tổn thương và chết, để lại mô sẹo trong tim, điều này là cho các cơ tim khỏe mạnh phải tăng hoạt động để bù trừ, nhưng lâu dần chúng sẽ suy yếu dần và dẫn tới suy tim. Gần đây, một nhóm chuyên gia y tế và công nghệ sinh học đã phát hiện ra một loại protein tự nhiên có thể thúc đẩy sự tái sinh của các mô bình thường. Trong một nghiên cứu được tiến hành thí nghiệm trên động vật, họ phát hiện rằng khi đưa một miếng vá có chứa protein tự nhiên này lên phần cơ tim bị hư hỏng của động vật thì thấy tế bào cơ tim bắt đầu phục hồi, tái tạo lại và chức năng của tim gần như trở lại hoạt động bình thường. Các nhà khoa học đặt nhiều hy vọng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng các miếng vá này trên người trong hai năm tới.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:36946

Số lượt truy cập: 30332100