VAI TRÒ VÀ ỨNG DỤNG CỦA CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CLVT) TRONG THĂM KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ

|
Lượt xem:

Trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh thì cận lâm sàng giữ vai trò rất quan trọng và chẩn đoán hình ảnh là một phần không thể thiếu của cận lâm sàng. Ngày nay có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật về hình ảnh được áp dụng trong việc kết hợp lâm sàng để chẩn đoán và điều trị bệnh nhằm đạt hiệu quả cao và cắt lớp vi tính – CT Scaner là một phương pháp hình ảnh học rất quan trọng được áp dụng nhiều trong các bệnh lý cấp và mạn tính.

Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) hay còn gọi là chụp CT scanner (CT) là kỹ thuật được phát minh bởi nhà vật lý người Anh Godfrey Hounsfield và bác sĩ Allan Cormack vào năm 1972. Vào năm 1979, Hounsfied và Cormack được nhận giải Nobel vật lý nhờ những ứng dụng của CT trong y học và khoa học.

Từ những thế hệ máy CTscan đầu tiên thiết kế đơn giản được đưa vào ứng dụng trong lâm sàng vào năm 1974-1976, đến nay trải qua một thời gian dài phát triển không ngừng thay đổi để phù hợp với mục đích sử dụng thì đã có nhiều thế hệ máy CTscan ra đời ngày càng hiện đại và đa dụng. Thời gian để những thế hệ máy CTscan cũ hoàn thành quá trình chụp tốn nhiều thời gian và bộ phận chụp hạn chế (đa số chỉ dùng để chụp sọ não, thời gian chụp một lát cắt mất vài giờ), các thế hệ mới đã rút ngắn rất nhiều thời gian chụp và được ứng dụng rộng rãi hơn trong lâm sàng, được áp dụng cho tất cả các bộ phận trong cơ thể với thời gian chụp nhanh hơn và chất lượng hình ảnh cao hơn.

Ngày nay, phương pháp chụp CTscan được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng để phát hiện bệnh lý hầu như toàn thân (từ sọ não, đầu mặt cổ, tim, ngực, bụng, chậu, xương, mô mềm cho đến bệnh lý mạch máu não, cổ, mạch máu chi và các mạch máu tạng khác), ứng dụng trong hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi sau phẫu thuật. Kỹ thuật 3D-CT cho phép đánh giá chính xác vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều, từ đó định hướng tốt cho phẫu thuật cũng như xạ trị. Kỹ thuật này còn dùng để tái tạo 3D trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh, giúp cho các nhà phẫu thuật tạo hình chỉnh sửa tốt hơn các dị tật bẩm sinh. Ngoài ra người ta còn ứng dụng CTscan trong các lĩnh vực nghiên cứu. Một số ví dụ: Trong chấn thương cần xác định và đánh giá nhanh tình trạng cũng như mức độ trầm trọng của tổn thương mà không cần chuẩn bị phức tạp, việc phát hiện những tổn thương nhỏ tới vài milimet mà các phương pháp khác khó xác định và đánh giá vị trí tính chất giai đoạn của khối u, trong việc hướng dẫn thủ thật chọc dò, sinh thiết, dẫn lưu, đánh giá tổn thương sau một quá trình điều trị và diễn tiến tiếp theo ( sau hóa trị, xạ trị, phẫu thuật cắt u...)… Bên cạnh những lợi ích mà chụp CLVT đem lại thì phương pháp này cũng có những mặt nhược điểm của nó như: do bản chất của quá trình chụp tạo hình bằng CLVT là sử dụng tia X nên bệnh nhân cũng sẽ bị nhiễm tia X và mức độ thì gấp rất nhiều lần khi chụp bằng XQ thường qui, hình ảnh còn kém hơn so với phương pháp MRI (chụp cộng hưởng từ) ở một số bộ phận: cấu trúc mô mềm, các tổn thương kích thước nhỏ, một số đối tượng có chống chỉ định khi chụp CLVT đặc biệt là vấn đề còn tranh cãi khi chụp CLVT với bệnh nhân mang thai, giá thành chụp CLVT còn cao…

Tại Trung tâm y tế huyện Sơn Động, hệ thống máy chụp CLVT được đưa vào sử dụng từ năm 2017  góp ích rất nhiều vào quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh, để người bệnh được tiếp cận với phương pháp chẩn đoán hiện đại, người bệnh không cần phải đi xa, hỗ trợ rất lớn trong việc giải quyết các trường hợp các bệnh lý khẩn cấp cùng với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao giàu kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ giữa lâm sàng – cận lâm sàng để phục vụ tốt nhất cho quá trình chăm sóc người bệnh tại đơn vị.

Với Hệ thống máy chụp CLVT đa dãy hiện nay tại khoa CĐHA – XN chúng tôi đã triển khai hầu hết các kỹ thuật chụp CLVT thường quy các bệnh lý về sọ não, ngực, bụng, cột sống, khớp và các chi. Nhân lực gồm 2 Bác sỹ CKC1 chẩn đoán hình ảnh, 02 KTV cùng với hệ thống PACS giúp kết nối hội chẩn trực tuyến với các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để bệnh nhân được đáp ứng được tốt nhất về mặt chẩn đoán về thời gian và khoảng cách phục vụ tốt nhất cho quá trình thăm khám và điều trị của bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Sơn Động.

 Một số hình ảnh về hệ thống máy CLVT và một số hình ảnh bệnh lý qua thăm khám tại khoa Chẩn đoán hình ảnh – Xét nghiệm Trung tâm y tế huyện Sơn Động:

Hình 1. Hình được chụp từ máy CLVT giúp phát hiện tổn thương chấn thương thận trái.

Hình 2. Hình được chụp từ máy CLVT giúp phát hiện tổn thương u phổi.

Hình 3. Hình được chụp từ máy CLVT giúp phát hiện tổn thương vùng thái dương đỉnh phải (U não)

Hình 4. Hệ thống máy chụp CLVT đa dãy tại Trung tâm y tế huyện Sơn Động.

Hình 5. Bác sỹ Chuyên khoa cấp 1  Nông Văn Nâu - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Xét nghiệm đang đọc kết quả CLVT cho bệnh nhân.

Tác giả: Tô Duy Khánh

 

 

 

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:10526

Số lượt truy cập: 28315796