PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH GÃY XƯƠNG

|
Lượt xem:

 

Sự trở lại hoạt động trong cộng đồng xã hội là mục tiêu của phục hồi chức năng cho người bệnh sau gãy xương. Trong cuộc sống hiện tại, những tai nạn giao thông hay trong lao động, sinh hoạt là những nguyên nhân thường gặp trong bệnh lý gãy xương.

Khi bị gãy xương thông thường sẽ có các biểu hiện: biến dạng trục của chi, có tiếng lạo xạo khi cọ xát 2 đầu xương gãy hoặc có cử động bất thường và chỉ cần 1 trong 3 dấu hiệu này sẽ được chẩn đoán là gãy xương. Tuỳ thuộc mức độ thương tổn, người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp bó bột hay phẫu thuật. Người bệnh sau một thời gian cố định hầu như rất khó khăn cho sự vận động ở chỗ tổn thương kèm theo giảm cảm giác, teo cơ. Đối với người già rất dễ kèm biến chứng ứ đọng phổi, loét do tỳ đè, huyết khối. Vì vậy, sau bó bột hoặc phẫu thuật, người bệnh cần được hướng dẫn để vận động sớm, tránh các biến chứng và giúp cho phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ và tăng tỷ lệ liền xương do vận động.

Sau gãy xương sẽ gây ra hiện tượng cứng khớp, teo cơ và giảm chức năng sinh hoạt do các khớp xương của người bệnh phải trải qua một thời gian dài bất động bằng bột, dụng cụ chỉnh hình. Do đó, việc hỗ trợ điều trị gãy xương bằng vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi gãy xương - chấn thương có vai trò quan trọng giúp tăng tuần hoàn máu, tăng chuyển hoá, giãn cơ, giảm đau, sớm hồi phục chức năng vận động.

 

 

Người bệnh gãy xương chia làm 2 nhóm chính.

1. Nhóm người bệnh điều trị bảo tồn.

2. Nhóm người bệnh cần phẫu thuật.

Tùy từng loại gãy xương, vị trí gãy, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đi chụp xquang để chẩn đoán sơ bộ. Nếu thấy cần thiết bác sỹ sẽ cho người bệnh đi chụp thêm phim CT hoặc Cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác hơn và đưa ra chỉ định phẫu thuật.

Phục hồi chức năng với nhóm người bệnh gãy xương điều trị bảo tồn:

Người bệnh cần thiết phải bó bột, nẹp cố định vị trí gãy xương. Trong thời gian 3 – 4 tuần hoặc lâu hơn nữa, tùy thuộc vào xương gãy, mức độ gãy và tùy thuộc vào tuổi của người bệnh. Với trẻ em thời gian tháo bột sớm hơn người già.

Trong quá trình đang mang bột: Để tránh teo cơ cứng khớp, người bệnh phải tập gồng cơ (co cơ tĩnh) trong bột ngày khoảng 10 lần, 10 động tác/lần.

Tập vận động các khớp tự do lân cận gần với các khớp phải cố định.

Ví dụ: Người bệnh gãy đầu dưới xương quay, người bệnh phải cố định bột ở cẳng bàn tay. Ngoài việc gồng cơ trong bột thì người bệnh phải tập vận động các ngón tay, vận động khớp khuỷu và khớp vai.

 

Sau khi tháo bột : Bác sĩ đánh giá lại các khớp của người bệnh về tầm vận động và cơ lực của các nhóm cơ để đưa ra các bài tập thích hợp.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn chườm ấm khớp bị cứng, tập vận động nhẹ nhàng các khớp đó với cường độ tăng dần: Các bài tập gấp, duỗi, dạng, khép hoặc xoay khớp (tùy mức độ liền xương).

Người bệnh được tập thụ động khớp, sau đó bài tập chủ động có trợ giúp hoặc chủ động.

Khi cơ lực các nhóm cơ còn yếu, người bệnh được tập các bài tập làm mạnh sức cơ bằng bài tập có sức cản.

Với người bệnh sau tháo bột, khớp cứng nhiều và phù nề hoặc có hội chứng Sudeck người bệnh nên đến cơ sở để điều trị vật lý trị liệu kết hợp bằng các dòng sóng ngắn, hồng ngoại, điện phân, điện xung thuốc thì kết quả sẽ nhanh hơn.

Người bệnh có thể được uống thêm thuốc chống viêm giảm đau hoặc giảm phù nề trong quá trình tập luyện.

Nếu trong quá trình tập luyện khớp sưng nhiều hơn người bệnh có thể ngừng tập chườm lạnh 10 – 15 phút/lần cách 2 giờ. Khi khớp đỡ sưng lại tiến hành tập tiếp.

Tập đến khi khớp đó trở về hoạt động bình thường cả về tầm vận động, cơ lực và chức năng của khớp.

Tác giả: Bs CKI: Vi Anh Tuấn

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:12087

Số lượt truy cập: 28268648