TRUNG TÂM Y TẾ SƠN ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ TIÊM PHÒNG CÚM MÙA

|
查看数次:

Vắc xin cúm là gì?

Vắc xin cúm là sinh phẩm y tế có chứa kháng nguyên của virus cúm, cung cấp khả năng bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ lây nhiễm virus cúm, ngăn chặn nguy cơ mắc cúm và các các biến chứng nguy hiểm của cúm gây ra.

Virus cúm được chia thành 3 nhóm A, B, C, trong đó phổ biến nhất, có thể bùng phát thành dịch cúm ở người là chủng virus cúm A và B. Mỗi chủng virus có rất nhiều nhóm kháng nguyên. Những nhóm kháng nguyên này thường xảy ra các đột biến nhỏ hàng năm hoặc vài năm, từ đó hình thành nên rất nhiều phân nhóm virus nhỏ, riêng virus cúm nhóm A đã phát hiện có hơn 200 phân nhóm cúm A, khiến cấu trúc kháng nguyên của virus cúm lưu hành mỗi năm sẽ thay đổi liên tục.

Chính vì lý do này, vắc xin phòng cúm là một trong những loại vắc xin đặc biệt, thường được nghiên cứu và sản xuất hàng năm (chu kỳ một năm 2 lần) với thành phần kháng nguyên có trong vắc xin thay đổi liên tục theo dự đoán của chủng cúm sẽ lưu hành trong năm (mùa cúm) tới.

Vắc xin cúm chỉ cung cấp khả năng phòng ngừa các chủng cúm đang lưu hành trong mùa cúm năm đó.

Hiện nay, có nhiều loại vaccine cúm và có nhiều cách để phân loại chúng, bao gồm:

- Phương pháp phân loại cổ điển: Là cách phân loại của WHO, chia vắc xin phòng bệnh cúm thành 2 loại, gồm vắc xin cúm bất hoạt (tiêm bắp) và vắc xin cúm sống giảm độc lực (hít qua mũi);

- Phương pháp phân loại theo số lượng và thành phần kháng nguyên: Vắc xin tam giá (TIV) và vắc xin tứ giá (QIV). Trong đó, vắc xin cúm tứ giá có chứa các thành phần kháng nguyên của virus cúm A/H1N1; A/H3N2; B/Victoria và B/Yamagata, sở hữu độ bao phủ rộng hơn; vắc xin cúm tam giá chỉ chứa kháng nguyên của virus cúm A/H1N1; A/H3N2 và B/Victoria hoặc B/Yamagata;

- Phương pháp phân loại theo liều lượng kháng nguyên bề mặt: Vắc xin cúm liều chuẩn (standard dose) và vắc xin cúm liều cao (high dose). Vắc xin liều cao được bào chế với hàm lượng kháng nguyên gấp 3 – 4 lần so với liều tiêu chuẩn, cung cấp khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt hơn ở người lớn tuổi;

- Phương pháp phân loại theo công nghệ sản xuất: Vắc xin cúm sản xuất trên phôi trứng gà, vắc xin nuôi cấy trên tế bào, vắc xin với công nghệ tái tổ hợp và hiện nay đang nghiên cứu và phát triển vắc xin cúm công nghệ mARN.

- Phương pháp phân loại theo số lượng và thành phần kháng nguyên là phương pháp phân loại vắc xin cúm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tại Việt Nam đang lưu hành 4 loại vắc xin phòng cúm, bao gồm: Vắc xin phòng cúm tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp)Influvac Tetra (Hà Làn) và GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc); vắc xin phòng cúm tam giá Ivacflu-S (Việt Nam).

Vắc xin cúm tứ giá mang đến hiệu quả bảo vệ vượt trội hơn so với vắc xin cúm tam giá.

Vắc xin cúm hoạt động như thế nào?

- Vacxin cúm hoạt động theo cơ chế kích thích hệ thống miễn dịch của người tiêm sản sinh kháng thể đặc hiệu, chủ động với các thành phần kháng nguyên có trong vắc xin, giúp cơ thể được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus cúm trong tương lai.

- Nếu chẳng may người tiêm tiếp xúc với virus cúm trong tương lai, các kháng thể đã hình thành sau khi tiêm vắc xin cúm sẽ nhanh chóng phát hiện sự hiện diện của virus cúm và ngay lập tức gắn vào các cấu trúc bên ngoài của lớp vỏ protein này, làm cho virus trở nên vô hiệu.

Chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin cúm

Mỗi vắc xin cúm được sản xuất bởi công nghệ, thành phần, tá dược… khác nhau, nên chỉ định, chống chỉ định và hoãn lịch tiêm chủng vắc xin cúm cũng khác nhau, cụ thể:

1. Vắc xin cúm tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp)

- Chỉ định: Tiêm ngừa vắc xin phòng cúm tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp) cho các đối tượng là trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

- Chống chỉ định: Những người quá mẫn cảm với các hoạt chất, mẫn cảm với bất kỳ thành phần tá dược hoặc bất kỳ chất nào có thể có trong thành phần dù với một lượng rất nhỏ còn sót lại như trứng (ovalbumin, protein của gà), neomycin, formaldehyde và octoxynol-9; Hoãn tiêm vắc xin với những người bị sốt vừa hay sốt cao hay bị bệnh cấp tính.

2. Vắc xin cúm tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan)

- Chỉ định

 Được chỉ định sử dụng để phòng ngừa bệnh cúm cho tất cả đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt ở những người có nguy cơ rủi ro tăng do biến chứng kết hợp như:

+ Những người lớn trên 65 tuổi, bất kể tình trạng sức khỏe;

+ Người lớn và trẻ em có các rối loạn mạn tính ở hệ hô hấp hoặc hệ tim mạch, kể cả bệnh hen suyễn;

+ Người lớn và trẻ em bị mắc các bệnh chuyển hóa mạn tính như bệnh tiểu đường;

+ Người lớn và trẻ em bị suy giảm chức năng thận mạn tính;

+ Người lớn và trẻ em bị suy giảm miễn dịch do bị bệnh hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như kìm tế bào hoặc corticosteroid) hoặc điều trị bằng chiếu xạ;

+ Trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tuổi đến 18 tuổi điều trị lâu dài bằng các thuốc có chứa acid acetylsalicylic.

- Chống chỉ định

Người bị mẫn cảm với các thành phần hoạt tính, mẫn cảm với bất kỳ tá dược nào hoặc bất kỳ thành phần nào có thể chỉ là rất nhỏ như trứng (ovalbumin, protein gà), formaldehyde, cetyl trimetylammonium bromide, polysorbate 90 hoặc gentamicin; các bệnh nhân có triệu chứng sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính cần hoãn tiêm chủng.

3. Vắc xin cúm tứ giá GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc)

- Chỉ định: Tiêm ngừa vắc xin phòng cúm tứ giá GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) cho các đối tượng là trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

- Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng vắc xin cúm tứ giá GCFlu Quadrivalent trên các trường hợp:

+ Bệnh nhân sốt hoặc người bị suy dinh dưỡng;

+ Bệnh nhân bị rối loạn tim mạch, rối loạn thận hoặc bệnh gan trong khi bệnh đang trong giai đoạn cấp tính, hoặc hoạt động;

+ Bệnh nhân mắc bệnh hô hấp cấp tính hoặc bệnh truyền nhiễm tích cực khác;

+ Bệnh nhân mắc bệnh thể ẩn và trong giai đoạn dưỡng bệnh;

+ Người quá mẫn với các thành phần của vắc xin;

+ Người bị dị ứng với trứng, thịt gà, mọi sản phẩm từ thịt gà;

+ Người bị sốt trong vòng 2 ngày hoặc có triệu chứng dị ứng như phát ban toàn thân sau tiêm tại lần tiêm phòng trước;

+ Người có triệu chứng co giật trong vòng 1 năm trước khi tiêm chủng;

+ Người có hội chứng Guillain-Barre hoặc người bị rối loạn thần kinh trong vòng 6 tuần kể từ lần chủng ngừa cúm trước;

+ Người được chẩn đoán mắc bệnh suy giảm miễn dịch.

Các lưu ý khi tiêm vắc xin

- Hoãn tiêm chủng nếu người tiêm có tình trạng bệnh lý mà cán bộ tiêm chủng nhận thấy không an toàn khi tiêm vắc xin (sốt trên 38 độ C; bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc không đảm bảo hiệu quả của vắc xin (đang dùng thuốc ức chế miễn dịch trên 14 ngày, mắc lao thể hoạt động…).

- Vắc xin cúm tứ giá cung cấp sự bảo vệ rộng hơn với các dòng virus cúm B

Vắc xin cúm ngừa bệnh gì?

- Vắc xin cúm ngừa bệnh cúm mùa, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, gây ra tình trạng sốt vừa đến cao, đau đầuchóng mặt, cảm giác ớn lạnh, yếu ớt, mệt mỏi toàn thân, ho nặng kéo dài và các tình trạng rối loạn đường tiêu hóa ở trẻ em như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

- Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về phổi, tim, thận, các bệnh chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch, vắc xin cúm vừa giúp phòng ngừa bệnh cúm, vừa ngăn chặn nguy cơ các bệnh lý diễn biến nặng nề hơn.

- Ngoài ra, vắc xin cúm cũng ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của cúm như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và thậm chí là tử vong.

Cúm mùa thúc đẩy các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch

Vắc xin cúm có tác dụng gì?

Tiêm vắc xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để chống lại bệnh cúm, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, biến chứng và tử vong. Tiêm ngừa cúm giúp giảm 36% nguy cơ biến chứng viêm tai giữa, giảm 33% nguy cơ biến chứng viêm đường hô hấp cấp, giảm 41% nguy cơ cơn hen kịch phát ở trẻ bị hen suyễn và có nghiên cứu cho thấy tiêm ngừa vắc xin cúm có thể làm giảm nguy cơ các cơn đau tim từ 15% xuống chỉ còn 4,5%. (4)

Theo WHO, tiêm phòng vắc xin cúm cung cấp hiệu lực bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc cúm đến 90%, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 80%.

Vì sao nên tiêm vắc xin cúm hàng năm?

Đáp ứng miễn dịch với vắc xin cúm của một người sau tiêm có thể giảm theo thời gian, ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi tác, thành phần kháng nguyên trong vắc xin, tình trạng sức khỏe (các bệnh lý mạn tính sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch).

 Đồng thời, virus cúm giống như các loại virus khác, chứa một bộ gen bên trong một lớp vỏ protein. Vắc xin ngừa cúm cũng sẽ dựa trên cấu trúc kháng nguyên của bộ gen này để sản xuất ra kháng thể đặc hiệu, bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi nguy cơ virus cúm tấn công và lây nhiễm.

Tuy nhiên, virus cúm có khả năng biến đổi gen nhanh chóng (thường là hàng năm), từ đó dẫn đến sự thay đổi trong thành phần di truyền của chúng, vắc xin cúm năm trước sẽ không hoàn toàn mang lại hiệu quả bảo vệ cho mùa cúm của năm sau. Do đó, mỗi năm chúng ta cần có một loại vắc xin mới khớp với dòng virus cúm mới nhất đang lưu hành hiện tại.

Do đó, vắc xin cúm cần phải tiêm 01 mũi nhắc lại hàng năm để đảm bảo bảo vệ người tiêm khỏi các chủng cúm mùa với cấu trúc kháng nguyên thay đổi hàng năm.

Vắc xin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Vắc xin cúm mang đến hiệu quả bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc cúm và các biến chứng của cúm rất cao, tuy nhiên hiệu lực bảo vệ chỉ kéo dài từ 6 – 12 tháng vì virus cúm có khả năng đột biến gen và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục (thường thay đổi mỗi năm). Chính vì thế, vắc xin cúm của năm nay chỉ có hiệu quả bảo vệ tối đa trong 1 mùa cúm và gần như không còn khả năng bảo vệ người tiêm ở mùa cúm năm sau.

Tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm Vắc xin cúm

Vắc xin cúm đã được kiểm chứng về hiệu quả và tính an toàn cao. Sau tiêm vắc xin cúm, người tiêm thường gặp các tác dụng phụ thông thường như:

- Phản ứng phụ tại chỗ tiêm: đau, đỏ, sưng.

- Phản ứng phụ toàn thân: đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ở trẻ thường quấy khóc, cáu kỉnh, buồn ngủ, sốt, run rẩy, chóng mặt, chán ăn, …

Những phản ứng phụ này thường diễn biến ở mức độ rất nhẹ, sẽ nhanh chóng thuyên giảm và biến mất sau vài giờ đến vài ngày mà không để lại các ảnh hưởng tiêu cực nào đến sức khỏe người tiêm.

Ngoài ra, vắc xin cúm có thể gây ra một số phản ứng nặng như sưng hạch nách, cổ, bẹn, nổi mề đay, nôn mửa, xuất huyết, nóng ở vị trí tiêm, triệu chứng giống cúm, tê tay, giảm cảm nhận xúc giác, yếu cơ, co giật, viêm mạch máu… Tuy nhiên, những phản ứng phụ này là cực kỳ hiếm gặp, sẽ không xuất hiện sau khi tiêm vắc xin cúm nếu người tiêm được đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng vắc xin an toàn.

Lịch tiêm phòng vắc xin cúm

Vắc xin cúm tứ giá Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra và GCFlu Quadrivalent được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn:

- Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm ngừa cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc 01 mũi hàng năm.

- Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi đã được tiêm ngừa cúm, trẻ từ 9 tuổi và người lớn: Tiêm 01 mũi và tiêm nhắc 01 mũi hàng năm.

Liều dùng: 0,5ml.

Đường dùng: tiêm bắp

Có thể tiêm vắc xin cúm Vaxigrip Tetra/ Influvac Tetra/ GCFlu Quadrivalent cho phụ nữ có thai (tốt nhất là 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ).

Vắc xin cúm giá bao nhiêu?

Giá vắc xin cúm tùy thuộc vào từng loại vắc xin khác nhau trên thị trường và tùy thuộc vào từng cơ sở tiêm chủng, cụ thể:

- Vắc xin cúm tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp): Khoảng 321.000 đồng

- Vắc xin cúm tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan): Khoảng 315.000 đồng

- Vắc xin cúm tứ giá GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc): Khoảng 286.000 đồng

Giá vắc xin có thể thay đổi theo từng thời điểm

Tiêm vắc xin cúm ở đâu?

Trung tâm Y tế huyện Sơn Động đang cung ứng đầy đủ các loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới với phạm vi và hiệu quả bảo vệ vượt trội, phòng ngừa cả 4 chủng virus cúm nguy hiểm và lưu hành phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên toàn thế giới như virus cúm nhóm chủng cúm A/H1N1, 1/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata.

Tất cả vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động được bảo quản trong điều kiện tối ưu của hệ thống dây chuyền lạnh (Cold Chain) đạt chuẩn GSP và bảo quản vắc xin trong nhiệt độ ổn định từ 2 – 8 độ C, cam kết chất lượng vắc xin nguyên vẹn, đồng thời thực hiện và giám sát thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng nghiêm ngặt, đảm bảo hiệu quả và an toàn khi tiêm ở mức tối ưu.

Trung tâm Y tế huyện Sơn Động sở hữu đội ngũ Bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ An toàn tiêm chủng theo quy trình tiêm chủng vắc xin an toàn. 100% khách hàng được các Bác sĩ khám sàng lọc, kiểm tra tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý và lịch sử tiêm chủng của người tiêm, nhằm đưa ra chỉ định tiêm chủng vắc xin phù hợp và chính xác.

Để được tư vấn, đặt lịch tiêm chủng vaccine cúm Tứ giá thế hệ mới, đăng ký gói vaccine hoặc tham gia các chương trình ưu đãi, Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline: 0912980131, 0338141136.

                                            Tác giả: Nguyễn Sỹ Thơ - Khoa KSDB/HIV AIDS

User Online:13408

Total visited: 30763635